GIÁO DỤC STEM – TẤM VÉ VỮNG CHẮC CHO DU HỌC SINH TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHIỆP 4.0

05/08/2020

Có một thực tế rằng, chúng ta đang dần tiến sâu hơn vào kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nơi công nghệ tự động, đồng bộ hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi. Điều này, đã và đang kéo theo sự dịch chuyển đáng kể của thị trường tuyển dụng lao động. Ngày nay, để trở thành một ứng viên tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng, đòi hỏi bạn phải có khả năng giải quyết vấn đề một cách đa chiều thay vì sử dụng những giải pháp truyền thống như trước đây. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến cụm từ “giáo dục STEM” (STEM education) đang trở thành từ khóa được "săn đón" nhiều nhất hiện nay.

Thế nhưng STEM là gì? STEM có ý nghĩa như thế nào trong việc mở rộng cơ hội học tập & định cư sau tốt nghiệp của sinh viên quốc tế nói chung và du học sinh Việt Nam nói riêng?

Hãy cùng iStudent tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về STEM

Về bản chất, STEM là các ngành học trang bị cho học viên những kiến thức & kỹ năng cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Trong đó, phương pháp giáo dục STEM tập trung giảng dạy đan xen kiến thức của cả 4 lĩnh vực trên, thay vì tách biệt từng môn như phương pháp giáo dục truyền thống trước đây.

Untitled-1-01
 
Mục tiêu chính của phương pháp này là rèn luyện tư duy đa chiều, tạo cho học viên kỹ năng vận dụng kiến thức đã học nhằm đưa ra giải pháp thực tiễn nhất cho từng vấn đề khác nhau.
 

Hiệp hội Giáo dục Khoa học Mỹ (National Science Teachers Association - NSTA) được thành lập năm 1944 đã định nghĩa giáo dục STEM như sau: "Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các giờ học ứng dụng thực tế. Qua đó, phát triển cho học viên các năng lực trong lĩnh vực STEM, có khả năng áp dụng các kiến thức đó vào trong các bối cảnh cụ thể nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế mới".

Tầm quan trọng của giáo dục STEM

Như đã đề cập, thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới trong cuộc cách mạng công nghiệp. Việc phát triển nguồn nhân lực có kiến thức trong lĩnh vực STEM không chỉ hướng đến giải quyết vấn đề cụ thể của từng địa phương mà còn hướng đến giải quyết các vấn đề trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và các xu hướng chung của thế giới, như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…

Theo dự đoán từ tổ chức STEMconnector.org, chỉ riêng tại Mỹ, trong thời gian tới cần trên 8 triệu lao động tay nghề cao làm việc tại các vị trí thuộc lĩnh vực STEM. Đặc biệt, ngành sản suất, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại Mỹ cũng đang nằm trong danh sách cảnh báo thiếu hụt nhân sự tay nghề cao trong thời gian tới (theo Cục Thống kê Lao động Mỹ).

Bên cạnh đó, thống kê từ Học Viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Royal Academy of Engineering) cho biết nước này cần trên 100.000 lao động ngành STEM mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đức cũng là một trong số các quốc gia đang thiếu hụt nguồn nhân lực cho các ngành toán học, CNTT, Khoa học Tự nhiên và các ngành kỹ thuật chuyên biệt (Điện đoán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa.v.v).

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực tay nghề cao, hầu hết các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản v.v. đã từng bước áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào giáo trình dạy học. Đồng thời, đưa ra những chương trình, chính sách hỗ trợ vô cùng hấp dẫn dành riêng cho sinh viên quốc tế có định hướng phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực STEM.

Điều đáng chú ý chính là, hiện tại, hơn một nửa công việc ngành STEM không yêu cầu bằng cấp Đại học, mà chỉ yêu cầu ứng viên có chứng chỉ chuyên môn STEM liên quan đến vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, việc sở hữu bằng Đại học, hoặc cao hơn trong lĩnh vực STEM sẽ giúp cải thiện đáng kể thu nhập và cơ hội thăng tiến cho ứng viên.

Vậy STEM tác động thế nào đến cơ hội nghề nghiệp của du học sinh quốc tế?

Nhìn chung, cơ hội việc làm & định cư sau tốt nghiệp cho sinh viên các ngành STEM tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện đang rất tích cực. Theo đánh giá từ Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ, sinh viên Châu Á là nhóm thể hiện năng lực cao nhất trong các lĩnh vực STEM, và cũng được hưởng nhiều quyền lợi khi theo học các ngành này tại các nền giáo dục tiên tiến. Việc có trong tay tấm bằng/ chứng chỉ STEM, đồng thời, sẽ giúp sinh viên quốc tế có thêm thời gian cần thiết để kiếm cơ hội việc làm và xét duyệt hồ sơ định cư.

Tại Mỹ, từ những cánh đồng silicon (Silicon Valley) đến các văn phòng Chính phủ đều ủng hộ và dành sự ưu ái đặc biệt đối với sinh viên du học ngành STEM. Đạo luật Giáo dục STEM do cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama, thông qua vào tháng 10/2015, giúp rút ngắn tối đa quy trình xét duyệt thẻ xanh cho sinh viên quốc tế tốt nghiệp ngành STEM. Hiện tại, du học sinh thị thực dạng F1 đăng ký ngành học STEM sẽ được phép làm việc trong thời gian 3 năm theo chương trình OPT (Optional Practical Training) – đây là cơ hội định cư chưa từng có cho sinh viên quốc tế.

Nước láng giềng Canada cũng ra sức ban hành các chính sách có lợi cho du học sinh tốt nghiệp ngành STEM trong nỗ lực giữ chân lực lượng lao động tay nghề cao này. Các tỉnh bang Saskatchewan, Ontario, Alberta và Manitoba ưu tiên đặc biệt cho các lao động ngành CNTT vào Chương trình Để cử Tỉnh bang. Đây là một trong những con đường chắc chắn nhất để xét hộ chiếu thường trú sau tốt nghiệp cho du học sinh. Ngoài ra, Chính phủ Canada cũng phát hành các gói vay tuyển dụng hấp dẫn dành cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ứng viên ngành STEM.

Úc cũng công bố một số thay đổi trong hệ thống tinh điểm thường trú nhân của mình nhằm thu hút sinh viên quốc tế ngành STEM. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành STEM sẽ được nhận thêm điểm xét nhập cư, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xét hồ sợ thường trú nhân tại Úc.

Nhu cầu về nhân sự tay nghề cao cũng thúc đẩy Nhật Bản đề ra kế hoặc tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Không ít chính sách khuyến khích tuyển dụng du học sinh ngành STEM được Chính phủ ban hành với mục tiêu thiết lập các mạng lưới nghiên cứu quốc tế, bổ trợ kiến thức STEM cho đội ngũ nhân sự nội địa. Song song đó, sinh viên Nhật Bản được định hướng và khuyến khích tham gia các khóa du học ngắn/dài hạn, cũng như ứng tuyển vào doanh nghiệp ngoài nước sau tốt nghiệp. Có thể nói, thị trường lao động Nhật Bản đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, ngày càng thân thiện, và cởi mở hơn với ứng viên quốc tế.

Cánh cửa "Việc làm – Định cư" rộng mở sau tốt nghiệp cho du học sinh Việt Nam

Năm 2012, giáo dục STEM bắt đầu xuất hiện từ các cơ sở giáo dục tư nhân ở Việt Nam. Điều này mở ra hội tốt cho giáo dục Việt Nam bởi thế mạnh trong giảng dạy của nước ta thường nghiêng về Toán, Lý, Hoá. Đồng thời, học sinh Việt Nam cũng sẵn có nền tảng, kiến thức khoa học khá vững chắc so với học sinh đồng trang lứa đến từ các quốc gia khác. Ngoài ra, một khi đã được đào tạo về lĩnh vực STEM, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào, vì như đã phân tích, đây vẫn là nhóm ngành “khát” nhân lực của nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ…

Tóm lại, dù bạn đang ở độ tuổi nào, ở bất kỳ bậc học nào, việc sở hữu kiến thức vững chắc về lĩnh vực STEM chính là bạn đã có trong tay một tấm vé vững chắc cho tương lai. Thêm vào đó, Nếu bạn hiện có định hướng học tập & tìm kiếm cơ hội định cư tại những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, thì đây quả là một lợi thế đáng kể.

Và cuối cùng, đừng quên rằng khi quyết định du học khối ngành STEM nói riêng, và tất cả các ngành du học nói chung, việc chọn ngành, chọn trường, chọn khu vực học cực kỳ quan trọng . Những yếu tố này  nếu thiếu sự chuẩn bị và tìm hiểu thật kỹ lưỡng sẽ ít nhiều tác động tiêu cực đến trải nghiệm học tập, cũng như kết quả học tập cuối cùng cho học viên.

Một số học bổng đáng chú ý dành cho du học sinh quốc tế ngành STEM:

1. Microsoft Tuition Scholarship, Mỹ

Học bổng dành cho ứng viên theo học ngành CNTT, Kỹ thuật máy tính, hoặc các ngành thuộc lĩnh vực STEM tại Mỹ, Canada, Mexico và có GPA >= 3.0.

+ Hạn nộp hồ sơ xét học bổng: Tháng 2 hằng năm

2.  Masergy STEM Scholarship Program, Mỹ

Gói học bổng trị giá $5,000 từ tập đoàn Masergy, Mỹ. Ứng viên phải theo học ngành STEM hệ 4 năm.

+ Hạn nộp hồ sơ xét học bổng: Tháng 4 hằng năm

3. KUT PhD Engineering Scholarships, Nhật Bản

Là gói học bổng do Trường Đại học Công Nghệ Kochi (KUT), Nhật Bản phát động nhằm khuyến khích sinh viên quốc tế có thành tích học tập xuất sắc trong ngành STEM đến Nhật học tập & nghiên cứu. Thông qua chương trình này, KUT mong muốn mở rộng và tăng cường quan hệ với các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới.

+ Hạn nộp hồ sơ xét học bổng: Tháng 4 hằng năm

4. Schulich Leader Scholarship, Canada

Quỹ học bổng với tổng trị giá $100 triệu được thành lập bởi doanh nhân Seymour Schulich vào năm 2012 nhằm khuyến khích các sinh viên giỏi thông minh nhất tại Canada trở thành những lãnh đạo toàn cầu tương lai. Hằng năm, mỗi trường trung học ở Canada có thể đề cử học viên để đại diện trường.dựa trên thành tích học tập xuất sắc trong lĩnh vực STEM, khả năng lãnh đạo, hoặc nhu cầu hỗ trợ.

+ Hạn nộp hồ sơ xét học bổng: Tháng 1 hằng năm

5. Heinrich Böll Foundation, Đức

Tổ chức Heinrich Böll cấp học bổng cho sinh viên Đức cũng như sinh viên quốc tế, bao gồm cả người tị nạn, ở mọi cấp độ. Tuy nhiên, quỹ học bổng này chủ yếu được thành lập dành cho những sinh viên ngành STEM và các ngành trong lĩnh vực Khoa học môi trường.

+ Hạn nộp hồ sơ xét học bổng: Tháng 3 hằng năm

*Thời hạn nộp hồ sơ có thể thay đổi không báo trước


Viện Hợp tác Quốc tế và Du học - iStudent là một thành viên của hệ thống giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Với đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp được đào tạo trong và ngoài nước, iStudent là đối tác quan trọng và là đại diện chính thức các tổ chức giáo dục quốc tế, trung học, dự bị đại học, cao đẳng, đại học cũng như các trường dạy ngôn ngữ tại những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Singapore…

Liên hệ trực tiếp iStudent qua info@istudent.edu.vn để được tư vấn miễn phí chương trình du học phù hợp nhất với khả năng tài chính, học phí và nguyện vọng của bạn.

 

BÌNH LUẬN CỦA BẠN